Phương Tây Hình tượng con rắn trong văn hóa

Hy Lạp

Trong thần thoại Hy Lạp rắn thường gắn với các địch thủ nguy hiểm chết người, nhưng điều này không có nghĩa rằng rắn là biểu tượng của điều ác độc; trên thực tế rắn là biểu tượng gắn liền với đất hay âm phủ. Con rắn chín đầu Lernaean HydraHercules đánh bại và ba chị em Gorgon đều là con của Gaia, nữ thần đất.[9] Medusa là một trong số ba chị em Gorgon mà Perseus đã đánh bại.[9] Medusa được mô tả là một vị thần bất tử gớm ghiếc, với mái tóc là những con rắn và có phép thuật biến những kẻ đàn ông thành đá chỉ bằng ánh mắt.[9] Sau khi giết chết Medusa, Perseus đã dâng đầu nàng cho Athena để gắn vào chiếc khiên che ngực gọi là Aegis.[9] Các Titan cũng được mô tả là có các con rắn thay vì có chân vì cùng một lý do—họ đều là con của Gaia với Ouranos (Uranus), vì thế họ cũng gắn liền với đất.

Truyền thuyết về sự ra đời của Thebes đề cập tới một con rắn quái vật khổng lồ ngăn giữ suối nước mà dân cư của khu định cư này lấy nước. Trong cuộc chiến để giết chết con rắn, những người bạn đồng hành của nhà sáng lập khu định cư là Cadmus đều bị giết chết - điều này dẫn tới thuật ngữ "chiến thắng kiểu Cadmus" (nghĩa là chiến thắng với sự tự hủy diệt bản thân). Nhìn chung, Trong tôn giáo của người Hy Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng. Rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản. Ngoài ra nhân vật Lamia chính là người rắn, sau này John Keats có sáng tác một câu chuyện vào năm 1819 kể về một phụ nữ do rắn biến thành sau đó cùng thanh niên Menippus Lycius kết làm vợ chồng, trong đêm cưới De Vita Apollonius khám phá ra Lamia chính là con rắn.

Trong Mười hai kỳ công của Heracles có nhiệm vụ Heracles phải tìm và diệt trừ con rắn Hydra khổng lồ có nhiều đầu. Nó có 17 cái đầu. Nhưng khi có một cái đầu bị đánh gục hay bị chặt đứt, thì ngay lập tức từ chỗ bị đứt sẽ mọc lên hai cái đầu mới. Điều tồi tệ hơn cả là việc hơi thở của con Hydra có thể làm chết người. Ngay cả việc ngửi thấy mùi hôi thối của nó cũng đủ làm chết một người bình thường. Heracles tìm thấy hang ổ của con Hydra và làm cho nó phải ngoi lên bằng những mũi tên rực lửa. Trận ác đấu diễn ra với lợi thế thuộc về con Hydra. Nó dùng những cái đầu quấn chặt lấy Heracles và cố làm cho chàng ngã. Nó gọi đồng minh của mình là một cây táo dại cũng sống trong đàm lầy. Cây táo đập vào chân Heracles và ngăn không cho chàng tấn công. Heracles đã ở bên bờ của sự thất bại thì chợt nhớ đến người cháu Iolaus, con trai của người em sinh đôi Iphicles.

Iolaus, người đã đưa Heracles đến Lerna bằng xe ngựa, đầy lo lắng khi thấy chú của mình vướng vào những cái đầu của con Hydra. Chắc rằng Heracles không thể chịu đựng thêm được nữa, đáp lại những tiếng thét của chú mình, Iolaus vội chụp lấy cây đuốc, châm lên rồi lao vào cuộc chiến. Giờ đây, khi Heracles vừa chặt đứt một cái đầu của con Hydra, thì lập tức Iolaus có mặt và đốt cháy nơi cổ vừa đứt khiến cho những cái đầu không thể mọc lại được. Heracles chặt từng cái đầu một trong khi Iolaus đốt cháy những nơi vừa bị chặt. Cuối cùng Heracles chặt đứt cái đầu ở chính giữa được cho là bất tử và chôn sâu xuống đất phía dưới tảng đá hình đầu chó như lời truyền thuyết và dằn một tảng đá lên trên. Sau đó Heracles nhúng đầu những mũi tên của chàng của mình vào dòng máu độc của con rắn. Nếu những mũi tên của chàng trúng người nào thì người đó sẽ chết ngay lập tức.

Cũng trong thần thoại Hy lạp, còn có Typhon (tiếng Hy Lạp: Τυφῶν, Tuphōn), cũng là Typheus/Typhoeus (Τυφωεύς, Tuphōeus), Typhaon (Τυφάων, Tuphaōn) hay Typhos (Τυφώς, Tuphōs) là người con cuối cùng của Gaia, cha là Tartarus - thần gió. Typhon được coi như một quái thú với âm mưu lật đổ ngôi Zeus để trở thành Vua của các vị thần và loài người. Typhon được cho là một loại sinh vật to lớn nhất và hình dạng kỳ lạ nhất từng được biết đến từ trước đến nay, Typhon có hàng trăm đầu rắn khác nhau. Hắn bị hạ bởi Zeus, và bị ông ta lấy Núi Etna đè lên trên.

Đặc biệt là y học dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh tật. Theo thần thoại cổ Hy Lạp, vị thần Esculape, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ ngành y dược, trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đưa cây gậy ra, con rắn bám lấy và bò lên quấn quanh cây gậy của ông. Thấy vậy, thần Esculape (Asclepius) lấy cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Nhưng, một con rắn khác bò tới, miệng ngậm thảo dược để cứu con rắn kia. Cũng từ đây, ông tìm kiếm các loại cây cỏ trên núi để chữa bệnh cứu sống con người.

Vì vậy, để khắc họa vị thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn chung quanh,[4] Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu.[10] Về sau, người ta dựng tượng vị thần y cùng con rắn vì con rắn đã góp công chống lại dịch bệnh, tương truyền có thời gian La Mã bị dịch, người bệnh phải dâng ly rượu cúng thần Esculape mong tai qua nạn khỏi. Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.[10]

Trong Kinh Thánh

Họa phẩm về Eve và con rắn trong vườn địa đàng

Sách Sáng thế Khải huyền 4 nói về con Rắn, là con quỷ quyệt hơn mọi con thú trên cánh đồng. Con rắn xúi giục người nữ (Eve) ăn cây nhận thức, nói với cô ta rằng nó sẽ không dẫn tới cái chết, người nữ không kìm nổi, và đưa trái cho người nam, và người nam cũng ăn, và mắt của hai người mở ra. Khi ấy đã nhận thức được sự trần truồng của mình, họ che nó đi bằng những chiếc lá sung, và trốn khỏi cái nhìn của Chúa. Chúa trời hỏi họ điều họ đã làm. Adam kết tội Eva, và Eva kết tội con rắn. Chúa trời nguyền rủa con rắn (vốn đã phải có khả năng đi được trước sự kiện này rằng mày sẽ đi bằng bụng, và mày sẽ ăn bụi trong suốt những ngày của cuộc đời mày. Sách của Jubilees ở thế kỷ thứ II trước Công Nguyên nói (ch3 v17) rằng con rắn đã thuyết phục Eva ăn trái vào ngày thứ 17 ở tháng thứ hai của năm thứ 8 sau khi Adam được tạo ra.

Con rắn ở đây được cho là một con rắn cái. Nghệ thuật Kitô giáo Trung Cổ thường thể hiện con Rắn trong Vườn Eden là một người nữ, vì thế vừa nhấn mạnh tính chất cám dỗ vừa nói tới mối quan hệ của nó với Eva. Nhiều chức sắc trong thời kỳ đầu, gồm cả Clement của AlexandriaEusebius của Caesarea, giải thích từ trong tiếng Hebrew "Heva" không chỉ là cái tên của Eva, mà trong hình thức âm hơi của nó là con rắn cái. Ngoài ra, con rắn đã xúi giục Eva được giải thích là quỷ Satan, hay rằng Satan đã dùng con rắn như một cái loa, dù không có đề cập tới cách giải thích này trong Torah và nó không có trong Do Thái giáo. Một truyền thống Ngộ đạo khác cho rằng Adam và Eva được tạo ra để giúp đánh bại Satan. Con rắn, thay vì bị coi là Satan, được giáo phái Ophite coi là một anh hùng.

Bắc Âu

Trong thần thoại Bắc Âu, Jörmungandr, thường được gọi là Jormungand hay "Mãng xà trần gian", là một con rắn biển khổng lồ, đứa con thứ hai của khổng lồ AngrboðaLoki. Theo như văn xuôi Edda, Odin đã bắt ba đứa con của Loki là Fenrir, Jörmungandr và Hel, rồi ném Jörmungandr xuống đại dương bao quanh Midgard. Con mãng xà lớn đến mức nó cuốn quanh cả thế giới và ngậm được cái đuôi nó. Khi nó trở mình thế giới sẽ lụi tàn. Kẻ thù lớn nhất của Mãng xà trần gian là thần Thor. Nguồn tư liệu chính về Jörmungandr là văn xuôi Edda, Húsdrápa, Hymiskviða, và Völuspá. Những nguồn tư liệu kém quan trọng hơn bao gồm những hoán dụ trong thơ ca. Ví dụ trong Þórsdrápa, "cha của sợi dây dưới biển" được dùng làm hoán dụ tả Loki. Ngoài ra còn có những hình khắc trên đá từ thời cổ xưa.

Hiện đại

Tại phương Tây, một vài loài rắn (đặc biệt là các loài dễ thuần hóa như trăn hoàng gia (Python regius) và rắn săn chuột đỏ (Pantherophis guttatus) được nuôi làm động vật cảnh. Để đáp ứng nhu cầu này một ngành công nghiệp nuôi nhốt động vật bò sát đã phát triển. Các loại rắn sinh đẻ nuôi nhốt có xu hướng dễ nuôi làm động vật cảnh hơn so với các loại rắn bắt được trong tự nhiên.[11] Rắn cảnh dễ nuôi hơn so với nhiều loại động vật cảnh truyền thống khác do chúng không cần nhiều không gian (do phần lớn rắn cảnh không dài quá 1,5 m và chúng cũng không cần phải cho ăn uống quá thường xuyên (thường chỉ một lần trong vòng 5-14 ngày). Một vài loại rắn cảnh có thể sống trên 40 năm nếu được chăm sóc chu đáo.

Trong các nền văn hóa phương Tây thì việc ăn thịt rắn cũng từng xảy ra khi gặp phải những năm đói kém.[12] Việc ăn thịt rắn chuông đã nấu chín là một ngoại lệ, với việc tiêu thụ nói chung phổ biến tại các khu vực ở miền trung tây nước Mỹ. Các học viên của lực lượng đặc nhiệm Quân đội Hoa Kỳ cũng được huấn luyện bắt, giết và ăn thịt rắn để có thể sống sót trong các hoàn cảnh đặc biệt; và điều này đã làm người ta gán cho họ tên hiệu là "snake eaters" (những kẻ ăn rắn).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hình tượng con rắn trong văn hóa http://www.cn939.com/tcm-article-read-4694.html http://www.fabuloustravel.com/gourmet/travel/cobra... http://books.google.com/books?id=BumyQJ14n8sC&pg=P... http://books.google.com/books?id=T4N1HcruTeAC http://news.nationalgeographic.com/news/2002/04/04... http://mimobile.byu.edu/?m=5&table=books&bookid=46... http://ww2.pstripes.osd.mil/01/mag/sm072201c.html http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/quan-niem-ve... http://www.apollon.uio.no/vis/art/2006_4/Artikler/... http://www.archive.org/details/serpentworshipin211...